Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Bí quyết học thi môn tiếng Anh


Để làm tốt đề thi trắc nghiệm môn tiếng Anh, tuyệt đối không dừng lại quá lâu ở một câu hỏi mà thí sinh cho là khó. Nhưng cũng không có nghĩa là vội vàng chọn câu trả lời mà chưa đọc hết bốn chọn lựa (A, B, C, D). Thí sinh cần loại trừ nhanh chóng hai chọn lựa sai và thông thường còn lại một chọn lựa đúng và một chọn lựa gần đúng, cẩn thận để rút ra đáp án từ hai chọn lựa này.

Với phần ngữ âm, để có đáp án đúng và nhanh, thí sinh không nên đọc thầm mà nên phát âm từ được yêu cầu với mức độ khẽ đủ để tai nhận được trọng âm của từ đặt ở âm tiết nào hay để phân biệt giữa các nguyên âm hay phụ âm với nhau. Phần từ vựng và cấu trúc câu của đề thi ĐH, CĐ đều là những phần thí sinh đã được luyện tập nhiều ở bậc THPT nên cần làm ở tốc độ dưới một phút một câu để dành thời gian dư cho phần đọc hiểu.
Với loại bài đọc hiểu (reading comprehension), trước hết thí sinh nên đọc nhanh cả bài văn, kể cả đọc lướt qua các câu hỏi phía dưới để nắm ý chính của bài văn và những vấn đề liên quan được hỏi. Sau đó, thí sinh đọc chậm hơn, dựa vào từ và cấu trúc trong câu để đoán ý nghĩa của từ khó, gạch chân các chi tiết cần lưu ý (các con số biểu thị thời gian, số lượng...) để có quyết định chọn câu trả lời đúng nhất. Để trả lời loại câu hỏi tìm ý chính của đoạn văn, thông thường thí sinh hãy đọc kỹ câu đầu tiên và câu cuối cùng của đoạn văn.
LÊ THỊ THANH XUÂN (GV tiếng Anh)
Môn sử: trình bày đủ ý
Khi tiếp xúc với đề thi, các em phải đọc thật kỹ đề, hiểu yêu cầu cụ thể của đề để tránh tình trạng lạc đề. Sau đó, các em viết ra giấy nháp nội dung cơ bản của đề thi, trên cơ sở đó vận dụng kiến thức để làm bài. Khi làm bài, mỗi vấn đề cần trình bày đủ các ý, vì mỗi ý đúng đều có điểm. Đừng coi thi cử như một áp lực. Cơ hội cho tất cả thí sinh là như nhau, nhưng nếu thí sinh nào chuẩn bị kỹ hơn thì kết quả sẽ tốt hơn.
Vì một lý do nào đó mà các em chưa học hết chương trình môn sử khi ngày thi đang gần kề, có lẽ các em nên tham khảo những đề thi năm trước để có thể tập trung vào một vài chủ đề có khả năng ra thi nhiều nhất. Học sử không phải chỉ với mục đích là để thi mà môn sử còn giúp các em yêu nước, thương dân hơn. Thêm vào đó, môn sử sẽ giúp các em tránh những vết xe đổ của lịch sử và biết sống khôn ngoan hơn.

(Theo tuổi trẻ)

Nhận diện cấu trúc đề thi đại học cao đẳng

Dù nguyên tắc chung để ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 vẫn bám sát chương trình và sách giáo khoa, chủ yếu là lớp 12, nhưng vẫn có nhiều điểm thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý để đạt điểm cao ở từng môn thi.

Môn toán: nắm vững kiến thức cơ bản
Cấu trúc đề thi môn toán những năm gần đây khá giống nhau. Trong đó, câu I (2 điểm) thường được chia thành hai câu nhỏ. Câu 1 yêu cầu khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số. Thí sinh cần lưu ý các kiến thức về đạo hàm, khảo sát dấu đạo hàm, đường tiệm cận... Câu 2 thường yêu cầu tìm giá trị m (có liên quan đến đồ thị hàm số trên).
Thí sinh phải dựa vào tính chất đồ thị kết hợp với kiến thức hình học, tiếp tuyến, kiến thức tổng hợp về tổng, tích S, P... để làm câu này.
Câu II (2 điểm) thường có hai câu nhỏ. Trong đó câu 1 thường là giải phương trình hay hệ phương trình lượng giác. Câu 2 hay có dạng giải phương trình hay hệ phương trình đại số (thường là hai ẩn x, y). Thí sinh cần biết đặt các ẩn phụ để đưa bài toán trở về đơn giản hơn, biến đổi các hằng đẳng thức đáng nhớ, thậm chí có đề phải dùng đến bất đẳng thức Cauchy để giải.
Có thể câu này là giải bất phương trình, thí sinh phải đặt điều kiện, chuyển hết về một vế để giải và xét dấu, kết hợp nghiệm với điều kiện ban đầu ở trên để ra kết quả cuối cùng.
Câu III (1 điểm) thường là câu tích phân xác định, tích phân từng phần hoặc dạng đổi biến. Lưu ý sau khi làm xong, thí sinh có thể dùng máy tính để kiểm tra kết quả bằng cách dùng nút bấm với format lệnh (hàm biến X, a, b). Nếu thấy kết quả khác phải xem lại cách tính của mình.
Câu IV (1 điểm) là câu hình học không gian thuần túy, thí sinh cần nắm vững các định lý về song song, thẳng góc, ba đường vuông góc, các công thức thể tích khối đa diện trong hình không gian. Câu tìm khoảng cách từ một điểm đến mặt phẳng thường dùng định lý ba đường vuông góc, định lý thuận và đảo Pitago, cũng có thể dùng tính chất song song.
Thầy NGUYỄN TẤN TRUNG(Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM)
Môn hóa: chia đề thành ba nhóm để giải
Khi làm bài thi môn hóa, thí sinh nên chia đề thành ba nhóm để giải.
Nhóm 1 là nhóm câu hỏi giáo khoa dễ lấy điểm. Các em cố gắng giải nhanh nhóm câu hỏi này trong vòng 15 phút và sẽ được điểm trên 15 câu.
Nhóm 2 là nhóm câu quyết định kết quả thi. Thời gian cho nhóm câu này khoảng 60 phút. Ở nhóm câu này, chủ yếu dùng công thức riêng để giải. Hãy đọc kỹ đề bài các em sẽ thấy được công thức giải đó. Các công thức giải này các em nên chuẩn bị sẵn từ các đề đã thi.
Nhóm 3 là nhóm câu chưa có hướng giải quyết. Nếu đã chuẩn bị kỹ thì nhóm câu này còn khoảng 6-10 câu. Các em đừng quá lo lắng, trước khi giải nên dành ít phút thư giãn nhằm giảm bớt căng thẳng. Nếu vẫn chưa có hướng giải quyết, các em nên chọn các phương án từ sự loại suy, không nên bỏ trống câu nào.
Câu V (1 điểm) là câu khó nhất trong phần chung cũng như khó nhất trong cả đề thi. Thường là dạng chứng minh bất đẳng thức có điều kiện về đẳng thức hay bất đẳng thức hay tìm max, min của một biểu thức, hay max, min của một hàm số.
Thí sinh cần sử dụng thành thạo và biến đổi nhuần nhuyễn các bất đẳng thức như Cauchy, Bunhiakopski và cả bất đẳng thức tam giác, các điều kiện khi các bất đẳng thức xảy ra đẳng thức.
Câu VI.a (1 điểm) là câu hình học giải tích phẳng, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững các kiến thức hình học thuần túy khá chắc, cộng với kỹ năng đặt tham số đúng sẽ làm đơn giản phần tính toán, nếu không phần tính toán sẽ rắc rối, phức tạp. Đối với câu VI.b. (1 điểm) là câu hình học giải tích không gian, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững các kiến thức về phương trình mặt phẳng, đường thẳng, khoảng cách từ một điểm đến mặt phẳng, đường thẳng, cách xác định tâm và bán kính mặt cầu.
Cuối cùng, câu VII (1 điểm) là câu số phức (có mặt trong hai năm trở lại đây). Thí sinh cần nắm vững công thức đại số, lượng giác và công thức Moivre trong số phức, đôi khi bài toán số phức được đưa về bài toán hình giải tích trong mặt phẳng. Cũng có thể là câu thuộc giải phương trình, hay hệ phương trình hàm log hay hàm mũ hoặc có thể là câu giải tích tổ hợp (không có mặt trong hai năm trở lại đây).
Thí sinh cần nắm vững biến đổi các công thức tổ hợp, chỉnh hợp, lấy tích phân và đạo hàm trong khai triển công thức nhị thức Newton.
Với cấu trúc một đề thi gồm các câu với mức độ phức tạp tương ứng như trên, thí sinh nên ưu tiên làm các câu từ dễ tới khó.
Thầy TRẦN QUANG PHÚ (Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM)
Môn vật lý: nắm vững lý thuyết
Cả đề thi môn vật lý 50 câu gồm 40% câu trung bình khá, 40% câu khá và 20% câu mang tính phân loại cao dành cho học sinh giỏi. Phần câu hỏi trắc nghiệm mang tính lý thuyết từ 10-12 câu, đa số rơi vào dao động âm, dao động tắt dần, duy trì hay cưỡng bức, một phần ở động cơ điện, máy phát điện, các tính chất đặc trưng của ánh sáng, các hiện tượng thể hiện tính hạt, tính sóng...
Từ 3-4 câu về vật lý vi mô, phóng xạ và hạt nhân... Để làm tốt các dạng lý thuyết này, thí sinh không những phải thuộc bài mà còn phải hiểu sâu các kiến thức trong sách giáo khoa.
Còn lại là các câu hỏi tính toán, dạng một bài toán tự luận thu nhỏ. Phần lớn rơi vào chương dòng điện xoay chiều, sóng ánh sáng, sóng dừng, dao động lò xo, con lắc đơn, lượng tử ánh sáng, phóng xạ. Phần bài tập sóng ánh sáng thường là giao thoa ánh sáng với những kiến thức quen thuộc như tìm số vân, vị trí vân trùng...
Phần bài tập hạt nhân nguyên tử chú ý đến năng lượng liên kết riêng, số hạt nhân phân rã trong hiện tượng phóng xạ, năng lượng phản ứng...
Với phần dao động cơ học, học sinh thường vướng ở vấn đề thời gian đi từ điểm này đến điểm kia. Trừ một số trường hợp đặc biệt có thể học thuộc, nên chú ý phương pháp giải tổng quát dựa vào mối liên hệ giữa dao động điều hòa và chuyển động tròn đều.
Với phần dòng điện xoay chiều, một số câu hơi khó có thể vẽ giản đồ và dùng kiến thức hình học đơn giản để giải. Nếu thí sinh ôn luyện kỹ, biết áp dụng những kết quả của các bài tập như một công thức sẽ nhanh hơn rất nhiều.
(Theo Tuổi trẻ)

Ghi hồ sơ ĐKDT không chính xác phải làm sao?


Chiều 27-4, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức buổi tư vấn trực tuyến để giải đáp thắc mắc cho thí sinh về những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường.



TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH, CĐ đã kết thúc, nhưng lượng câu hỏi thắc mắc những vấn đề cụ thể về việc chỉnh sửa những thông tin ghi trong hồ sơ ĐKDT vẫn chiếm phần lớn trong số hơn 500 câu hỏi của thí sinh. “Chúng tôi sẽ giải đáp cho thí sinh tất cả vướng mắc liên quan đến tuyển sinh, tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, học bổng... từ nay đến khi thi để các em yên tâm tập trung ôn tập” - TS Mai nói.

Một thí sinh tên Thúy An (tỉnh Kiên Giang) lo lắng: “Em đã nộp ba bộ hồ sơ ĐKDT tại trường nhưng lại quên khoanh khu vực (KV) 1. Em vừa gặp thầy nhận hồ sơ được biết toàn tỉnh Kiên Giang là KV1, khi thầy kiểm tra hồ sơ lại hết rồi thầy khoanh giùm. Trường hợp thầy quên khoanh giúp có phải em bị mất luôn quyền lợi ưu tiên và không được cộng điểm ưu tiên khu vực?”.

Đại diện ban đào tạo cho biết hồ sơ ĐKDT của những thí sinh này sẽ được nhận và nhập dữ liệu. Sau đó Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang sẽ chuyển hồ sơ và dữ liệu về cho các trường ĐH, CĐ. Theo quy định, tỉnh Kiên Giang thuộc KV1 (ưu tiên 1,5 điểm).

“Khi em nhận giấy báo dự thi, thông tin cụ thể về thí sinh, số báo danh, ngành dự thi, địa điểm thi, phòng thi..., thông tin về đối tượng ưu tiên (KV1) sẽ thể hiện rõ. Nếu không thấy đối tượng ưu tiên, em có thể liên hệ phòng đào tạo trường dự thi để điều chỉnh trước thời gian thi, hoặc vào buổi tập trung đầu tiên có thể điều chỉnh tại phòng thi. Cứ an tâm nếu đúng là đối tượng ưu tiên KV1 em sẽ được hưởng chế độ ưu tiên đó” - đại diện ban tư vấn chia sẻ.

Một thí sinh khác thắc mắc: “Trong hồ sơ ĐKDT, phần tên trường em chỉ ghi là ĐH Khoa học tự nhiên được không? Có bắt buộc phải ghi là ĐHQG TP.HCM không?”. Theo các chuyên gia, thí sinh cần hết sức cẩn trọng khi làm hồ sơ ĐKDT để tránh sai sót, rắc rối về sau. “Trong trường hợp này hồ sơ ĐKDT thí sinh nên ghi chính xác tên trường để tránh nhầm lẫn. Em đã ghi là Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng không sao, quan trọng là em ghi rõ mã trường là QST”- đại diện nhà trường tư vấn.
(Theo tuổi trẻ)

Bậc cao đẳng không lo ế


Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng nhận được 3.309 hồ sơ nộp trực tiếp tại trường, tăng đột biến so với năm 2011

Thí sinh ở Đà Nẵng tham gia chương trình tư vấn “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người Lao Động tổ chức
ThS Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Quảng Nam, cho biết lượng hồ sơ nộp trực tiếp vào trường năm nay tương đương năm 2011. Theo thống kê sơ bộ, trường đã tiếp nhận hơn 3.500 hồ sơ và trong đó, hồ sơ đăng ký dự thi vào khối A chiếm hơn 50%. Năm nay, thí sinh đăng ký dự thi tăng mạnh ở các nhóm ngành kinh tế, sư phạm, chủ yếu là sư phạm toán và sư phạm lý.
Thí sinh cân nhắc hơn
ĐH Đà Nẵng hiện có hơn 2.600 hồ sơ đăng ký trực tiếp vào các trường ĐH thành viên.
TS Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, cho biết so với kỳ tuyển sinh năm 2011, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường giảm khoảng 400 bộ. Trường ĐH Bách khoa vẫn là trường thành viên có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất, tiếp đó là Trường ĐH Sư phạm và Trường ĐH Kinh tế. Trường ĐH Ngoại ngữ mới chỉ nhận được 260 hồ sơ, ít hơn 60 hồ sơ so với kỳ tuyển sinh năm 2011.
Theo TS Việt, do Bộ GD-ĐT quy định không hạn chế số lượt xét tuyển nên thí sinh đã có sự cân nhắc hơn khi nộp hồ sơ. Nếu năm 2011, mỗi thí sinh nộp từ 2-3 hồ sơ thì nay đã dè dặt hơn, chỉ nộp từ 1-2 hồ sơ.
PGS-TS Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cũng cho biết trường này đã nhận trực tiếp 421 hồ sơ, trong đó gần 50% là đăng ký thi khối A. Số còn lại rải rác từ 40-60 hồ sơ cho từng khối B, C, D, M, T. Khối C chỉ có 42 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 10%.
Thắng lớn do thêm khối thi
Năm nay, Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng nhận được 3.309 hồ sơ nộp trực tiếp tại trường, số lượng này là tăng đột biến so với năm 2011. ThS Nguyễn Hoàng Tứ, trưởng phòng đào tạo của trường, cho hay sở dĩ có việc tăng đột biến này là do năm nay trường tuyển sinh thêm khối D1, thay vì chỉ một khối A như mọi năm.
Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam cũng khá cao. Ông Phạm Hải Anh, ban tuyển sinh của trường, cho biết  đã nhận được 2.000 hồ sơ, tăng hơn 20% so với kỳ tuyển sinh năm 2011.
Ở Trường CĐ Kỹ thuật Y tế II (Đà Nẵng), chỉ riêng số nộp trực tiếp tại trường và tại sở GD-ĐT của 3 tỉnh Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam đã là 5.000 hồ sơ. ThS Nguyễn Thị Tâm, trưởng phòng đào tạo của trường, cho biết từ năm 2006, số lượng hồ sơ nộp vào trường liên lục tăng do đây là trường đào tạo về y tế có quy mô lớn ở miền Trung. Năm 2011, trường mở thêm ngành mới là hộ sinh và dược. Đây là 2 ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn nên đang chiếm áp đảo số lượng hồ sơ nộp vào trường.

(Theo người lao động)